Khiếu nại và tố cáo là cách để công dân thực hiện được quyền dân chủ trực tiếp cũng như đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
https://zingnews.vn/5-cuon-sach-giup-hieu-dung-ve-khieu-nai-to-cao-post1370097.html
Luật Tố cáo; Luật được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Nội dung sách là văn bản hợp nhất của Luật Tố cáo năm 2018 và nội dung sửa đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Luật Tố cáo gồm 9 chương, 67 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm.
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”
Luật Khiếu nại
Luật Khiếu nại được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012.
Luật gồm 8 chương, 70 điều, quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại; xử lý vi phạm.
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Luật Tiếp công dân
Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 7/ 2014.
Luật gồm 9 chương, 36 điều, quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
Công tác tiếp công dân có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Thứ nhất, đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông qua công tác tiếp công dân, giúp cho cơ quan hành chính nhà nước nắm được những tâm tư, nguyện vọng, những thông tin phản hồi, các kiến nghị, góp ý của nhân dân từ thực tiễn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó kịp thời chấn chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các nội dung không phù hợp.
Thứ hai, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, qua công tác tiếp công dân đã thực hiện hóa quyền dân chủ của công dân, là sự cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức tốt công tác tiếp dân là biểu hiện cụ thể của quan điểm “dân là gốc” của Đảng và Nhà nước ta, góp phần phát huy bản chất “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Thứ ba, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thông qua tiếp công dân, việc giải quyết hoạt động khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến quyết định hành chính được tiến hành nhanh chóng, rõ ràng hơn khi có sự tiếp xúc trực tiếp, tìm hiểu thông tin hai chiều giữa người dân và cán bộ tiếp dân, từ đó, sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài cũng như nhiều bất cập khác trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh trong pháp luật hành chính Việt Nam
Cuốn sách của TS. Cao Vũ Minh gồm 3 chương, cung cấp những khái niệm cơ bản, đặc điểm, bản chất của tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh; đối tượng của tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh.
Sách đề cập tới mục đích của tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh cũng như mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh.
Ngoài ra, TS. Cao Vũ Minh cũng đưa ra các tiêu chí phân biệt giữa tố cáo, tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh.
Trên cơ sở phân tích các ưu điểm, hạn chế, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh ở Việt Nam hiện nay.
Trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, quy trình tiếp công dân và văn bản hướng dẫn thi hành Luật tố cáo
Cuốn sách của luật gia Nguyễn Ngọc Điệp giúp độc giả dễ dàng nắm bắt được những nội dung chủ yếu của Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân, cũng như giúp người làm công tác giải quyết khiếu nại áp dụng chính xác, hiệu quả các quy định của luật trong giải quyết khiếu nại.
In kèm trong sách là Luật Khiếu nại 2011, Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành mới nhất cần thiết cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như giúp cho việc tìm hiểu, tra cứu và áp dụng khi cần thiết.
Sách được biên soạn và phát hành năm 2020, cập nhật những quy định mới nhất nên sẽ là cuốn sách tham khảo có giá trị thực tiễn, hữu ích đối với độc giả.